Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục trong hơn 30 năm tham gia xuất khẩu gạo. Thế nhưng, các doanh nghiệp trong ngành lại có một năm chật vật kiếm từng đồng lãi…

Xuất khẩu gạo đạt con số khủng, doanh nghiệp gạo “nhặt” từng đồng lãi 

Năm 2023 là năm khá thành công trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Cả khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục lần lượt là gần 8,3 triệu tấn và 4,78 tỷ USD.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng cuối cùng của năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 492.387 tấn với trị giá đạt gần 339 triệu USD, giảm lần lượt 18% về lượng và 15,4% về giá trị so với tháng trước đó.

Với khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 như trên, bình quân giá xuất khẩu gạo của Việt Nam ở mức khoảng 575 USD/tấn. Và có chuyên gia đã nhận xét, đây là mức giá chưa hiệu quả đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Về thị trường, năm 2023, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với hơn 3,1 triệu tấn; Indonesia nhập khoảng 1,15 triệu tấn; Trung Quốc trên 908.000 tấn, Ghana khoảng 576.000 tấn…

Xét về doanh nghiệp xuất khẩu, Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) dẫn đầu về xuất khẩu gạo với khối lượng khoảng 650.000 tấn; Công ty Thành Tín khoảng 647.000 tấn; Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) khoảng 508.000 tấn; Công ty Mekong khoảng 482.000 tấn; Tập đoàn Intimex khoảng 413.000 tấn; Công ty TNHH Lương thực Phương Đông khoảng 310.000 tấn…

Thực tế, Vinafood 1 cho biết: Tổng công ty tổ chức triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh năm 2023 được coi là năm xảy ra nhiều biến động lớn về giá gạo xuất khẩu. Trong vòng 2 tuần sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, giá lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long tăng vọt lên 2.000 – 3.000 đồng/kg khiến thị trường nhiều thời điểm hỗn loạn về giá, gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị kinh doanh lương thực khi các hợp đồng mua gạo đã ký không lấy được hàng do bên bán từ chối giao hàng. 

Trong tình hình đó, Vinafood 1 đã từng bước xử lý khó khăn; tận dụng cơ hội mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu gạo; hoạt động thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng sắn, bột mỳ… tiếp tục tăng trưởng về số lượng và mở rộng nhiều địa bàn. Nhờ đó, Tổng công ty mới hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu năm 2023. Có thể nói, doanh nghiệp “nhặt” từng đồng lãi.

Sản lượng lương thực mua vào toàn Tổng công ty ước đạt 1.752.589 tấn, bằng 114,8% kế hoạch năm; trong đó lượng lương thực Công ty mẹ mua vào là 1.009.364 tấn, đạt 110,2% kế hoạch năm. Sản lượng lương thực bán ra toàn Tổng công ty ước đạt 1.736.092 tấn, bằng 117,4% kế hoạch năm; trong đó lượng lương thực Công ty mẹ bán ra là 959.825 tấn, đạt 111,5% kế hoạch năm. 

Khối lượng gạo xuất khẩu toàn Tổng công ty ước đạt 962,6 nghìn tấn, bằng 144,4% kế hoạch năm; trong đó lượng gạo xuất khẩu của Công ty mẹ đạt 662,4 nghìn tấn, bằng 115,9% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu toàn Tổng công ty ước đạt 523,3 triệu USD, bằng 176,4% kế hoạch; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Công ty mẹ ước đạt 360 triệu USD, bằng 141,6% kế hoạch. 

Tổng doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt 22.003 tỷ đồng, bằng 141,5% kế hoạch năm. Trong đó, tổng doanh thu Công ty mẹ ước đạt 12.050 tỷ đồng, bằng 138,5% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận toàn Tổng công ty ước đạt 289 tỷ đồng, bằng 102,1% kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ là 273 tỷ đồng bằng 101,4% kế hoạch.

Đối với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2, UPCoM: VSF), công ty này cũng chật vật không kém. Quý III/2023 công ty ghi nhận tình hình kinh doanh mới cải thiện, có lãi trở lại nhưng vẫn còn “ôm” khoản lỗ lũy kế lên tới 2.800 tỷ đồng.

Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu theo quý cao nhất kể từ khi cổ phần hóa với 7.328 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn, lãi gộp của Vinafood 2 đạt 629 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, các chi phí đồng loạt tăng cao khiến lợi nhuận của công ty bị bào mòn mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 250% lên 166 tỷ đồng chủ yếu là do lãi tiền vay, lỗ chênh lệch tỉ giá. Đồng thời, chi phí bán hàng đạt gần 327 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 186 tỷ đồng, tăng lần lượt 52% và 30% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ các chi phí, Vinafood 2 báo lãi 10 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 4 tỷ đồng vào cùng kỳ. gạo việt nam

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Vinafood 2 đạt hơn 1.665 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh 72% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi trước thuế đạt 47 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ.

gạo việt nam, đại lý gạo đà nẵng

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, giá trị 4,78 tỷ USD. Ảnh: TTXVN.

Khác với Vinafood 1, Vinafood 2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với kết quả đáng buồn dù doanh thu tăng trưởng mạnh. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, tình hình tài chính của Lộc Trời khá gay go, khi nợ vay tăng nhanh, đi kèm với đó là lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý III/2023, Lộc Trời báo lỗ ròng gần 330 tỷ đồng, con số tồi tệ nhất kể từ khi lên UPCoM. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty tăng trưởng doanh thu lên 10.440 tỷ đồng nhưng chỉ lãi ròng hơn 17,3 tỷ đồng, chưa bằng 10% cùng kỳ năm ngoái. Với kế hoạch năm là 400 tỷ lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 4% mục tiêu 2023.

Nợ vay tăng nhanh, khiến chi phí lãi vay phình to, là nguyên nhân chính ăn mòn lợi nhuận Tập đoàn Lộc Trời trong 9 tháng vừa qua, bất chấp doanh thu tăng mạnh.

Với CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Mã: TAR), kết quả kinh doanh cũng không như mong đợi, nhưng lợi nhuận được bù lại nhờ khoản cổ tức hàng chục tỷ đồng.

Theo đó, dù doanh thu thuần đạt 966 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng 94% so với cùng kỳ nhưng do giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lãi gộp của Gạo Trung An chỉ đạt 48,8 tỷ đồng, tăng 27%. Tuy nhiên, nhờ khoản cổ tức được chia từ Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang nên TAR báo lãi 12,2 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 12,8 tỷ đồng, giảm 75%.

Đáng buồn, cổ phiếu TAR đang vào diện bị hạn chế giao dịch từ ngày 30/10 do đã chậm nộp báo cáo đã soát xét bán niên năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) thì vừa có văn bản báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Theo đó, công ty cho biết đã hoàn thành thực hiện tái cấu trúc và điều chỉnh quy mô hoạt động, tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí. Do tới quý III/2023, Angimex kinh doanh mới có chút lãi nên lãi có được chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm. 

Từng là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, AGM liên tục chìm trong thua lỗ với nhiều chỉ số đáng báo động. Tuy nhiên, quý III/2023 Angimex đã lần đầu tiên báo lãi trở lại sau 5 quý trước đó.

Cụ thể, Angimex ghi nhận doanh thu thuần 223,6 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức 10,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 86% còn 8,8 tỷ đồng cùng chiều chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 62% chỉ còn hơn 3 tỷ đồng. Đại lý gạo đà nẵng

Nhờ không ghi nhận thuế TNDN hiện hành và hoãn lại nên Angimex báo lãi ròng quý III ở mức 1,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lỗ 28,8 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên, Angimex có lãi trở lại kể từ quý I/2022.

Lũy kế ba quý đầu năm 2023, Angimex mang về 545 tỷ đồng doanh thu thuần, chưa bằng 1/5 doanh thu cùng kỳ năm 2022. Sau thuế của doanh nghiệp là âm 56 tỷ đồng, lỗ đậm hơn mức 35 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.